Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, nơi từng là dinh thự của đại gia Sài Gòn xưa
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (đường Phó Đức Chính, quận 1), nằm gần chợ Bến Thành, có diện tích khoảng 4.000 m2. Tòa nhà do con cháu ông Hứa Bổn Hòa xây dựng năm 1929 và hoàn thành sau 5 năm, kiến trúc sư người Pháp Rivera thiết kế. Ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) là người Hoa định cư ở Nam bộ. Người dân quen gọi ông với cái tên Chú Hỏa. Nhờ tài làm kinh tế, ông có cơ nghiệp khổng lồ và là “trùm” bất động sản Nam Kỳ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền khắp Sài Gòn. Người Sài Gòn xếp ông vào hàng thứ tư những người giàu có: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Những ngày cuối đời, Chú Hỏa ước nguyện có một căn nhà cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Sau này, con cháu Chú Hỏa quyết định làm dinh thự này để hoàn thành mong muốn của ông. Ngoài dinh này, gia đình Chú Hỏa còn xây khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Sài Gòn, trường THCS Minh Đức…
Tòa dinh thự xây kiên cố với bốn tầng, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Công trình có bố cục đăng đối, gồm hai dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc khép kín tạo thành một giếng trời ở giữa.
Tường dày 40 – 60 cm, có màu vàng đặc trưng kiến trúc Pháp. Mặt tiền với ban công đưa ra phía ngoài, mái vươn xa. Toàn bộ dinh thự có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau. Trên mỗi cửa có hệ thống hoa sắt uốn công phu, đẹp mắt.
Tòa nhà lợp ngói âm dương, loại phổ biến trong kiến trúc ở Việt Nam và các nước Á Đông. Trên đỉnh các mái trang trí nhiều hoa văn được tráng men tạo màu xanh lục.
Một số đỉnh mái dinh thự gắn tượng gà trống Gaulois bằng gốm. Gaulois là biểu tượng của nền cộng hòa Pháp, với dáng hình oai vệ, màu đỏ, đuôi cong lên. Con gà thể hiện cho quyền lực và lòng dũng cảm.
Căn nhà có hành lang dài, nhiều cửa với kiểu cuốn vòm để lấy gió, ánh sáng tự nhiên. Toàn bộ nền lát bằng gạch với nhiều kiểu hoa văn. Mỗi khu vực, mỗi tầng một kiểu dáng gạch khác nhau.
Cửa chính và cổng khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, khung bằng thép, trên vòm cửa có chữ cách điệu H.B.H – những ký tự viết tắt tên chủ nhân Hứa Bổn Hòa.
Bên trong dinh thự gồm nhiều gian, được xây theo kết cấu vòm chịu lực. Nội thất sảnh của tòa nhà có những trang trí hoa văn đắp nổi trên trần, mỗi gian đều lắp đèn chùm kiểu Pháp.
Cầu thang có mặt bằng hình chữ U với ba vế, được lát đá cẩm thạch, lan can sắt uốn.
Dinh thự của Chú Hỏa cũng là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều xa xỉ ở Việt Nam lúc đấy. Là sản phẩm của châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.
Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa sang nước ngoài định cư. Năm 1992, căn nhà được sử dụng làm bảo tàng, là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật, tranh ảnh của các thời kỳ. Trong những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, nổi bật là bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Đây là tác phẩm được họa sĩ sáng tác lâu nhất, từ năm 1969 đến 1989 mới hoàn thành, có kích thước lớn 200 x 540 cm, được công nhận “bảo vật quốc gia” năm 2013. Bảo tàng mở cửa từ 9h đến 17h mỗi ngày, giá vé là 30.000 đồng. Với kiến trúc độc đáo, tòa nhà thu hút nhiều du khách, bạn trẻ tới tham quan, chụp hình.
Theo Quỳnh Trần/ Vnexpress