Người Sài Gòn chui hẻm ăn bò kho bán 5 tiếng của bà chủ lai Việt – Ấn: Nằm trong hẻm nhỏ giữa Sài Gòn, quán bò kho 194 níu kéo được thực khách bởi hương vị đậm đà, cay cay “cực đã” mà không phải quán nào cũng có.
Người Sài Gòn chui hẻm ăn bò kho bán 5 tiếng của bà chủ lai Việt – Ấn
Quán 16 năm của bà chủ lai Ấn – Việt
Chúng tôi ghé vào hẻm 194, đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM để thưởng thức món bò kho mang hương vị của người Ấn theo lời giới thiệu của bạn bè. Nói là “chui hẻm” cho đúng kiểu Sài Gòn chứ thực ra quán bò kho 194 khá dễ tìm. Từ đầu hẻm vào hơn chục mét là đã thấy quán bò kho hiện ra trước mắt, số nhà 194/5.
Bà chủ quán bò kho 194 Trương Ngọc Trâm Oanh (57 tuổi) lớn lên ở Việt Nam, có cha là người Việt Nam và mẹ là người Ấn Độ. Bà nói rất rành tiếng Việt. Mọi người hay gọi bà là dì Út bởi bà là con út trong gia đình.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề bán bò kho này, bà Oanh vui vẻ nói: “Tôi buôn bán như vầy cũng có cái duyên. Trước đây, tôi có làm nghề thêu, nhưng sau ba mẹ già cả, muốn sống gần gũi để săn sóc ông bà nên tôi mới nghỉ việc. Rồi từ đó, tôi cũng suy nghĩ kiếm đường lao động để sống. Thấy mẹ nấu món này ngon, tôi thích rồi mở ra bán cho đến nay, tính ra từ đó đến giờ cũng 16 năm rồi”.
Mỗi ngày, bà Oanh nấu khoảng 7 – 8 kg thịt bò. “Bò kho tôi nấu theo khẩu vị của người Việt Nam, gồm bò và cà rốt hầm kỹ, thêm vào hành tây xắt mỏng, có xen lẫn gia vị của người Ấn để món ăn có phần đậm đà hơn. Hơn nữa, cách nêm nếm của mình phải phù hợp với khẩu vị của người Việt thì mới thu hút được khách hàng”, bà Oanh chia sẻ.
Tô bò kho mang ra cho khách phải còn nóng hổi, thơm nồng. Để thưởng thức chỉ cần cho thêm chút sa tế, vắt một miếng chanh cho thơm rồi bỏ giá, ngò gai vào. Đặc biệt, quế là loại rau thơm không thể thiếu đối với món bò kho. Thực khách có thể pha nước chấm cho riêng mình gồm ớt tươi, muối tiêu, muối ớt,… tùy theo sở thích. Món ăn đậm đà và pha lẫn nhiều loại gia vị, nổi bật nhất là vị cay nồng đặc trưng của Ấn Độ.
Quán nằm trong hẻm nhưng rất đông
Ngơi tay một chút, bà Oanh kể, trước đây bà bán ở đầu hẻm, khách ghé cũng tấp nập lắm. Lúc đầu, chỉ có một mình bà bán thôi, nhưng sau khách đông nên cả gia đình 4 người cùng nhau bán. Hai năm trở lại đây bà mới dọn hẳn vào nhà phía trong hẻm. Lúc đầu cũng mất khách do họ tưởng quá nghỉ nhưng sau dựng bảng đầu hẻm thì khách quay lại ủng hộ, còn đông hơn lúc trước.
Quán mở cửa vào lúc 14 giờ, đến 19 giờ thì bán hết. Những lúc trời Sài Gòn hay đổ mưa thì quán bán chậm hơn một chút. Vì nằm trong hẻm nên không gian quán ăn khá nhỏ, trong nhà chỉ đủ chỗ cho khoảng 10 – 15 người. Do vậy, có nhiều khách hàng ghé ngang tiệm để mua về hoặc đặt hàng qua số điện thoại hay các ứng dụng giao hàng trực tuyến.
Ông Lương Đức Thuận (53 tuổi) khách quen của quán bò kho 194, cho biết: “Bò kho của bà Oanh có vị khác lắm. Miếng bò tuy nhỏ nhưng thấm gia vị, muốn ăn mềm hay dai đều có. Nước bò cũng mang hương vị riêng, sền sệt, thơm và ngọt một cách tự nhiên. Đặc biệt, sự cay nồng của sa tế và nước bò hòa quyện vào nhau, ăn rất “đã”.
Ở đây, khách có thể dùng bò kho cùng bánh mì hoặc hủ tiếu, mì tươi, phở… Giá cả cũng khá hợp lý, trung bình khoảng 35.000 đồng/ tô, nhưng có lúc cũng tùy vào nhu cầu thực khách muốn ăn bao nhiêu thì chủ quán sẽ bán bấy nhiêu. “Có khi mấy chú xe ôm ghé lại, muốn ăn 15.000, 20.000 đồng tôi cũng bán chứ không nhất thiết phải bán đúng giá 35.000 đồng”, bà Oanh nói.
Thưởng thức xong tô bò kho, chúng tôi hiểu nhiều hơn về một phần của văn hóa ẩm thực Ấn Độ. Bên cạnh đó cũng ngẫm ra rằng, chỉ cần món ăn có tâm huyết của người bán thì dù ở đâu cũng có người ghé đến ủng hộ dài lâu…