Phố Mã Lai ở Sài Gòn: Ai cũng có thể mua hijab, thưởng thức món ăn Halal và uống kopi tại khu phố Mã Lai bên hông chợ Bến Thành.
Phố Mã Lai ở Sài Gòn
19h, đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa Tây chợ Bến Thành bắt đầu nhộn nhịp. Các hàng quán sáng trưng, những sạp hàng nhỏ tràn ra đường, du khách chậm rãi qua lại ngắm nghía. Không gian và những món hàng ở đây không giống các con đường mua sắm khác ở Việt Nam.
Trên vỉa hè, thậm chí dưới lòng đường, những mannequin (ma-nơ-canh) bán thân đội khăn choàng đôi lúc làm khách đi bộ giật mình khựng lại. Mannequin này như biển hiệu cho khách du lịch biết: Ở đây bán “hijab”.
“Hijab cũng gọi là tudung, khăn choàng che đầu và cổ, chừa lại khuôn mặt của phụ nữ Hồi Giáo. Khu này bán khăn giá khoảng 15 – 16 ringgit (90.000 đồng) trở xuống, tùy độ dài ngắn, chất lượng vải và hoa văn”, ông Phương, chủ một gian hàng chuyên bán hijab, giải thích với khách bằng cả tiếng Việt và tiếng Malaysia. Khăn được gấp vuông trong túi nilon trong, du khách có thể bóc ra choàng thử.
Nếu như Huế, Hội An có dịch vụ may áo dài trong ngày, phố Mã Lai cũng có vài địa chỉ nhận may trang phục truyền thống của người Mã Lai. Jubah là bộ áo thân dài như váy, baju kurung cũng giống bộ trên nhưng áo và chân váy rời. Một bộ may sẵn có giá 25 ringgit (khoảng 150.000 đồng). Khách có thể đến các quầy vải trong phố để lựa một tấm ưng ý, rồi mang đến cửa hàng may. Giá may một bộ bất kỳ trong ngày là 350.000 đồng.
Hiện khu phố có gần 100 cơ sở kinh doanh, hầu hết chủ là người Chăm theo đạo Hồi, nói tiếng Malaysia sành sỏi. Ai cũng đon đả và nói Tơ-ri-mơ ka-sêh (Terima kasih: cảm ơn). Bên cạnh những địa chỉ mua sắm trang phục, dãy phố còn 6 nhà hàng phục vụ ẩm thực Malaysia và Hồi giáo nói chung.
Trong đó, nasi goreng là món bình dân phổ biến, gồm cơm rang, thịt bò, gà, hải sản, các loại rau củ. Với món Việt, phở bò được nhiều thực khách Mã Lai lựa chọn nhất. Đa phần món có vị cay và mùi gia vị đặc trưng, giá từ 80.000 đồng. Người theo đạo Hồi không ăn thịt heo. Các loại thịt động vật phải do chính tay người trong đạo cắt tiết, xẻ thịt theo phương thức riêng.
Ngoài ra, nhiều xe hàng rong ở khu phố Mã Lai cũng bán đồ ăn thức uống như bánh mì kebab, kopi, bánh kếp, trái cây tươi… Kopi trong tiếng Malaysia nghĩa là cà phê, được bán với giá 3 ringgit (60.000 đồng) một ly. Tất cả nhà hàng, xe rong bán đồ ăn thức uống đều ghi chữ “Halal” kèm biểu tượng. Halal trong tiếng Ả Rập nghĩa là hợp pháp, được phép sử dụng. Những món ăn đạt quy chuẩn tôn giáo, phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi thì người trong đạo mới có thể dùng.
Với đồ lưu niệm, móc khóa, miếng nam châm đính tủ lạnh, miếng dán trang trí hình nón lá, áo dài, tờ tiền, lá cờ, công trình kiến trúc tiêu biểu… khá đắt hàng tại đây. Không chỉ có du khách Malaysia mua mà còn nhiều du khách nơi khác cũng chú ý. “Giá mặt hàng được ghi sẵn, nhiều khi mình không biết tiếng Anh hay Mã Lai, khách vẫn hiểu được”, một bà chủ người Việt cho biết.
Con đường có chưa đến 10 khách sạn, những địa chỉ này luôn tấp nập xe đón trả những đoàn khách choàng khăn. “Chúng tôi ở khách sạn trên đường này vì xung quanh có nhiều hàng đồ ăn Halal, trước khi ra sân bay cũng tiện mua quà như khăn áo Hồi giáo”, chị em Roslina và Shimawany Halim khoe mới mua vài hộp đồ ăn mang lên phòng.
Nhận thấy tiềm năng từ lượng du khách Malaysia, anh Salim vốn làm hướng dẫn viên du lịch, trở thành một trong những người tiên phong mở văn phòng bán tour tại đây. “Khách Malaysia thích mua sắm, chụp hình. TP HCM bán nhiều đồ Hồi thì họ tập trung nhiều”, Salim cho biết. Vài năm gần đây, nhóm khách này chuộng đi Đà Lạt và miền Tây, nếu đi biển họ cũng chỉ chụp ảnh chứ không xuống tắm, theo Salim.
Tháng 1/2020, Việt Nam đón khoảng 50.000 lượt khách Malaysia, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP HCM. Khách Malaysia nhiều năm qua luôn nằm trong top 10 thị trường khách đến Việt Nam đông nhất.
Theo Tâm Linh/ Vnexpress