Về thăm làng dệt vải với công nghệ 1.0 hiếm hoi còn lại giữa Sài Gòn: Nhắc đến khu Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP HCM) không nhiều người biết rằng ở đây đã từng là vùng đất tạo ra những thước vải trứ danh, nổi tiếng khắp cả nước. Giờ đây, cái tên làng dệt Bảy Hiền hình như chỉ còn trong ký ức của một số người và là niềm tiếc nối của biết bao hộ dân ở đây, họ phải đành lòng bỏ đi nghề tổ tiên cũng chỉ vì “thời thế thay đổi”.
Về thăm làng dệt vải với công nghệ 1.0 hiếm hoi còn lại giữa Sài Gòn
Thời “thanh xuân” huy hoàng của làng dệt Bảy Hiền
Nếu trước đây chỉ cần đi qua các phường 11, 12 quận Tân Bình bạn dễ dàng nghe tiếng “ầm ầm”, “xình xịch” do con thoi va đập vào khung gỗ, tiếng “lách tách” của máy se chỉ, tạo nên một không khí khẩn trương và nhộn nhịp cho ngôi làng dệt này. Thì bây giờ, âm thanh này trở nên hiếm hoi hơn.
Theo lời bà Nguyễn Thị Lài (76 tuổi, ngụ đường Tái Thiết, quận Tân Bình), làng dệt xuất phát từ khi người Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vào Sài Gòn những năm mới giải phóng, họ tập trung với nhau tạo dựng lại nghề dệt vải khung gỗ, từ đó khai sinh ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng một thời.
Còn nhớ thời hoàng kim là vào những năm 80 – 90 thế kỷ trước, làng dệt hưng thịnh đến độ chỉ tính riêng phường 11 (quận Tân Bình) có tới 1.700 hộ theo nghề, là nơi cung cấp phải lụa trắng nhất nhì nước “khi đó máy chạy liên tục mà cũng không đủ đơn đặt hàng, nói tới vải là người ta nghĩ ngay đến Bảy Hiền. Cứ thế nhiều hộ làm ăn khá, phất lên nhanh lắm” bà Lài kể lại.
Thế nhưng đến đầu năm 2000, dệt vải khung gỗ trở nên lỗi thời, sản phẩm không nhiều mẫu mã, không có hoạ tiết nên không cạnh tranh được trước sự ra đời của vải giá rẻ Trung Quốc, Đài Loan từ đó đơn hàng ít dần đi, giá cả tụt dốc, máy móc vẫn cần bảo dưỡng nhưng lại không có nguồn thu. Nhiều gia đình đành ngậm ngùi bỏ nghề, bán máy móc, làng dệt đứng trước nguy cơ tan rã.
Bà Lài ngao ngán “gia đình tôi bỏ nghề dệt cũng gần 25 năm nay, máy móc bán hết. Nhà tôi tới 4 đời theo nghề dệt, nhưng rồi trụ cũng không nổi”.
Cũng là một trong những gia đình phải tiếc nuối bỏ cái nghề mà cha ông để lại, Ông Võ Văn Trung (54 tuổi, ngụ đường Võ Thành Trang) vừa loay hoay dọn dẹp bàn ghế trong tiệm vừa kể: “Cả gia đình tôi sống nhờ nghề này, từ đời ông nội tới ba tôi cũng vậy. Đến tôi làm được cũng gần hai chục năm, sau này vải làm ra bán buôn ế ẩm, lỗ nhiều hơn lời phải bỏ ngang. Giờ chuyển sang bán quán ăn, muốn giữ lại cái nghề dệt nhưng nhà tôi không còn vốn để ráng nữa”.
Có thể nói, dệt vải khung gỗ của làng dệt Bảy Hiền là “công nghệ 1.0” bởi máy dệt được người thợ đóng bằng các thanh gỗ và “lập trình dệt” một cách thủ công, phải có người trông coi để gỡ chỉ rối kịp thời và châm nước cho máy.
Tiếng khung dệt đập vào nhau “xình xịch”, những con thoi chạy thoăn thoắt, bên kia máy là phần vải đang dần được hoàn thành tạo nên một không gian sản xuất rất hoài cổ, bình yên.
Vì không nỡ bỏ nghề dệt nên nhiều gia đình bấm bụng bỏ ra số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để chuyển đổi từ máy dệt khung gỗ sang máy nước, máy kim với hy vọng làng dệt Bảy Hiền hồi sinh trở lại.
Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng ồ ạt, khiến vải tồn đọng ngày càng nhiều, tiền gia công giảm có lúc không đầy 800đ/mét. Tiền vải bán ra không đủ bù tiền mua máy, cũng không gánh nổi tiền thợ, nhiều cơ sở dệt cho công nhân nghỉ dần, chủ yếu người trong gia đình làm, nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Những thước vải nhọc nhằn
Là một trong những hộ hiếm hoi còn giữ nguyên vẹn công nghệ và nghề dệt truyền thống, chị Cúc (48 tuổi, ngụ đường Nguyễn Bá Tòng) chia sẻ: “Thua lỗ kéo dài, cả làng dệt nổi tiếng một thời chỉ còn lại vài nhà theo nghề, vì là nghề tổ tiên nên không nỡ bỏ, mà giờ cũng chỉ làm cầm chừng thôi”.
Nghe tiếng máy dệt xình xịch bên trong vọng ra đều đặn, phía bên ngoài cửa vẫn đóng im lìm, biết ngay đó là gia đình còn theo nghề dệt. Thỉnh thoảng người ta mở cửa, để khách tới lấy hàng, vải được chở đi bằng những xe bán tải nhỏ, hoặc số lượng ít thì dùng xe máy.
“Mình phải đóng cửa, tại tiếng máy ồn lắm mà giờ làm gì có khách tới tận nơi mua như hồi xưa, chủ yếu mấy mối quen lâu lâu đến lấy hàng thôi”, chị Cúc cho biết thêm.
Anh Trương Mậu Đông (43 tuổi, ở đường Nguyễn Bá Tòng) cho biết, anh là người duy nhất của thế hệ thứ hai ở làng dệt Bảy Hiền còn theo nghề, “Mấy anh chị em trong nhà kiếm công việc khác rồi, vì làm thì cực mà bán ra không có lời được bao nhiêu, có khi còn lỗ nặng ấy” anh Đông kể.
Gia đình anh Đông cũng chỉ làm cầm chừng và hơn hết là muốn giữ lại nguyên vẹn cách dệt truyền thống để ra đời những thước vải chất lượng nhất. “Nghề này là cha truyền con nối, nhà tôi chỉ sản xuất vải phi bóng, máy móc mới không dệt ra được chất vải như này được. Dệt thủ công nên vải thành phẩm không bị nhiễm hóa chất, bóng sáng và mượt hơn, nhưng người mua mấy ai để ý đâu”.
Máy dệt khung gỗ chạy khá nặng và dệt chậm, cần có người trông coi để lỡ rối chỉ thì gỡ còn kịp, 1 máy chạy từ sáng tới chiều cũng chỉ được 35m vải. Mỗi mét vải phi bóng từ gia đình anh Đông sản xuất có giá gần 1.500 đồng, nếu chạy hết 4 máy thì thu về gần 200.000 một ngày, đơn hàng ít nên hầu như chỉ dùng đến phân nửa số máy.
Đã thế, chất lượng vải tốt nhưng đôi khi cũng phải chấp nhận làm vải lót, vải đệm “phải làm thôi, vải lót cũng được, có đơn hàng là mừng rồi”, từng là loại vải nhiều người “săn đón” đến nỗi “cháy hàng” nay lại khiêm tốn ở vai trò là vải lót.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất thế của một làng nghề truyền thống trước thời đại công nghệ 4.0 và làng dệt Bảy Hiền cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tiếng máy dệt xình xịch đã bị lấn át, chìm sâu giữa tiếng xe cộ hối hả, những thước vải danh tiếng ngày nào phải chịu làm hàng lót, chật vật kiếm chỗ đứng trên thị trường.
Có lẽ tiếng máy dệt hôm nay ở Bảy Hiền chỉ còn là tiếng lòng người thợ dệt và là một ký ức đẹp của người xứ Quảng tại Sài Gòn.
Theo Phước Tấn